Sỏi thận và các phương pháp điều trị

Sỏi thận, một trong các rối loạn của hệ tiết niệu gây đau đớn nhất, đã hành hạ loài người trong nhiều thế kỷ. Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng của sỏi thận trong một xác ướp Ai Cập 7000 năm tuổi.

Thật không may, sỏi thận lại là một trong những rối loạn thường gặp nhất của đường tiết niệu. Tại Mỹ, mỗi năm người ta đã phải đi khám chuyên khoa tiết niệu 3.000.000 lần và hơn nửa triệu người phải đi cấp cứu vì các vấn đề về sỏi thận. Đa số sỏi thận thoát ra ngoài cơ thể mà không cần bất cứ sự can thiệp y khoa nào. Tuy nhiên nếu Sỏi gây triệu chứng kéo dài hoặc biến chứng có thể được điều trị bằng các kỹ thuật khác nhau, đa phần không cần đến phẫu thuật lớn. Ngoài ra, các tiến bộ trong nghiên cứu đã đem đến sự hiểu biết rõ ràng hơn về những yếu tố thúc đẩy sự hình thành sỏi và từ đó, là những phương pháp điều trị dự phòng sỏi tốt hơn.


Hệ tiết niệu

Hệ tiết niệu: 2 thận (kidney)+ 2 niệu quản (ureter)+  bàng quang (urinary bladder) + niệu đạo (urethra).

Đường tiết niệu, hoặc hệ tiết niệu bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Thận là hai cơ quan hình hạt đậu nằm dưới xương sườn ở giữa lưng, hai bên cột sống. Thận loại bỏ lượng nước dư thừa và các chất thải từ máu qua nước tiểu. Thận còn duy trì sự cân bằng ổn định của các muối và những thành phần khác trong máu. Thận sản xuất các nội tiết tố giúp xương chắc khỏe (calcitriol) và tạo ra hồng cầu (erythropoietin). Các ống hẹp có tên gọi niệu quản dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, là một túi hình oval ở bụng dưới. Giống như một quả bóng, thành bàng quang có tính đàn hồi, căng và mở rộng ra để trữ nước tiểu. Bàng quang xẹp xuống khi nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể qua niệu đạo.

 

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là một khối cứng hình thành trong đường tiết niệu từ những tinh thể tách ra từ nước tiểu. Bình thường, nước tiểu chứa những hóa chất có tác dụng ngăn ngừa hoặc ngăn cản các tinh thể hình thành. Tuy nhiên, các chất ức chế này không hiệu quả cho tất cả mọi người, do đó một số người sẽ có sỏi. Nếu các tinh thể vẫn còn đủ nhỏ, chúng sẽ di chuyển qua đường tiết niệu và thoát ra khỏi cơ thể theo nước tiểu mà không được nhận biết.

Sỏi thận có thể chứa những kết hợp khác nhau của nhiều hóa chất. Loại sỏi phổ biến nhất chứa canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat. Các hóa chất này là một phần của chế độ ăn bình thường ở người và là thành phần quan trọng của xương và cơ bắp. Một loại sỏi ít phổ biến hơn hình thành do nhiễm trùng ở đường tiết niệu. Loại sỏi này được gọi là sỏi struvite hoặc sỏi nhiễm trùng. Sỏi axit uric, ít gặp hơn nữa, trong khi sỏi cystine là rất hiếm.

Sỏi tiết niệu (urolithiasis) là một thuật ngữ y khoa được sử dụng để mô tả sỏi hình thành trong đường tiết niệu. Những thuật ngữ khác mô tả các vị trí của sỏi trong đường tiết niệu, như sỏi thận (nephrolithiasis), sỏi niệu quản (ureterolithiasis).

Sỏi mật và sỏi thận không liên quan với nhau. Chúng được hình thành từ các vị trí khác nhau trong cơ thể. Người bị sỏi mật không nhất thiết phải có nguy cơ hình thành sỏi thận.

 

Ai thường bị sỏi tiết niệu?

Vì những lý do chưa được biết rõ, số bệnh nhân sỏi thận đã tăng trong 30 năm qua. Cuối thập niên 1970, <4% dân số có bệnh sỏi tiết niệu. Đầu những năm 1990, tỉ lệ dân số mắc căn bệnh này đã tăng lên hơn 5%. Người da trắng (Caucasians) có nguy cơ hình thành sỏi thận cao hơn người gốc Châu Phi.

Sỏi tiết niệu gặp thường xuyên hơn ở nam giới. Tỷ lệ mắc sỏi thận tăng lên đáng kể ở nam giới khi bước vào tuổi 40 và tiếp tục tăng lên ở tuổi 70. Đối với phụ nữ, sỏi xảy ra nhiều nhất ở tuổi 50.

Khi đã có trên một viên sỏi, sẽ có nguy cơ hình thành nhiều viên sỏi khác.

 

Nguyên nhân gây sỏi thận?

- Không phải lúc nào cũng biết rõ tất cả những nguyên nhân tạo thành sỏi.

- Trong khi một số loại thực phẩm có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi ở những người nhạy cảm, các nhà khoa học không tin rằng việc ăn bất kỳ thực phẩm cụ thể nào lại có thể gây ra sỏi ở những người không nhạy cảm.

- Người có tiền sử sỏi thận trong gia đình sẽ có khả năng bị sỏi.

- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bất thường ở thận như bệnh nang thận (cystic kidney diseases), và một số rối loạn chuyển hóa như cường tuyến cận giáp (hyperparathyroidism) cũng có liên quan đến việc hình thành sỏi.

Ngoài ra, hơn 70% những người bị một bệnh di truyền hiếm gặp là bệnh toan hóa ống thận (renal tubular acidosis) sẽ hình thành sỏi thận.

- Chứng tiểu ra cystin (cystinuria) và tăng oxalat niệu (hyperoxaluria) là hai rối loạn chuyển hoá di truyền hiếm gặp khác thường gây ra sỏi thận. Trong chứng tiểu ra cystin, quá nhiều acid amin cystine không hòa tan được bài tiết ra nước tiểu, dẫn đến sự hình thành sỏi cystine. Đối với bệnh nhân bị chứng tăng oxalat niệu, cơ thể sản xuất ra quá nhiều muối oxalat. Khi nước tiểu chứa nhiều oxalat hơn số lượng mà nó có thể hòa tan, các tinh thể này sẽ kết dính với nhau và tạo thành sỏi.

- Tăng calci niệu có tính di truyền và có thể là nguyên nhân gây ra sỏi ở hơn một nửa số lượng bệnh nhân. Canxi được hấp thu quá nhiều từ thức ăn và bị đào thải theo nước tiểu. Lượng canxi cao trong nước tiểu khiến các tinh thể oxalat canxi hay phosphat canxi hình thành ở thận hoặc những nơi khác trong hệ niệu.

- Các nguyên nhân khác gây sỏi thận là tăng uric niệu (hyperuricosuria), một rối loạn chuyển hóa của axit uric; bệnh gout; dùng dư thừa vitamin D; nhiễm trùng đường tiết niệu; và tắc nghẽn đường tiết niệu.

- Một số thuốc lợi tiểu, và các thuốc kháng acid dạ dày chứa canxi có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận bằng cách tăng lượng canxi trong nước tiểu.

- Sỏi canxi oxalat cũng có thể hình thành ở những bệnh nhân viêm ruột mạn tính hay đã được mổ nối tắt ruột (intestinal bypass operation), hoặc phẫu thuật mở ruột ra da (ostomy).

Như đã đề cập ở phần trên, sỏi struvite hình thành ở những bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu. Các bệnh nhân dùng thuốc ức chế protease indinavir để điều trị nhiễm HIV cũng có nguy cơ hình thành sỏi thận.

 

Thực phẩm và thức uống chứa oxalate

Những người dễ bị sỏi canxi oxalat có thể được yêu cầu hạn chế hoặc tránh một số thực phẩm nhất định, nếu nước tiểu của họ chứa lượng oxalat vượt quá mức bình thường.

1. Các thực phẩm chứa nhiều oxalat theo thứ tự từ cao đến thấp: Rau rhubarb;  Rau spinach; Rau muống; Củ cải đường; Rau cải ngọt thụy sĩ (swiss chard);  Mầm lúa mì; Bánh đậu tương; Lạc; Đậu bắp; Sô cô la; Trà đen Ấn Độ;  Khoai lang

2. Các thực phẩm chứa lượng oxalat trung bình có thể dùng với số lượng hạn chế.

Thực phẩm chứa lượng oxalat trung bình- theo thứ tự từ cao đến thấp: Bắp ngô xay (grits); Nho;
Cần tây; Tiêu xanh; Dâu tây đỏ (raspberries); Bánh trái cây; Dâu tây (strawberries); Mứt trái cây (marmalade); Gan

 

Các triệu chứng của sỏi thận?

- Sỏi thận thường không gây ra triệu chứng. Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của sỏi thận là đau cực kỳ, khởi phát đột ngột khi một viên sỏi di chuyển trong đường tiết niệu và chặn dòng chảy của nước tiểu.

- Bệnh nhân cảm thấy đau dữ dội, đau quặn ở phía sau và vùng hông lưng trong khu vực của thận hoặc đau vùng bụng dưới.

- Đôi khi có kèm buồn nôn và ói mửa. Sau đó, đau có thể lan đến vùng bẹn.
- Nếu sỏi quá lớn để có thể thoát ra một cách dễ dàng, đau vẫn còn do các cơ ở thành niệu quản cố gắng co bóp để đẩy sỏi vào bàng quang.

- Khi sỏi di chuyển và do cơ thể cố gắng tống xuất sỏi ra, máu có thể xuất hiện trong nước tiểu, khiến nước tiểu có màu hồng.

- Khi sỏi xuống đến niệu quản đoạn gần bàng quang, bệnh nhân cảm thấy mót tiểu và đau rát khi đi tiểu.

- Khi có sốt và lạnh rung đi kèm với các triệu chứng kể trên, có thể đã có nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần phải đi khám bệnh ngay.

 

Làm thế nào để chẩn đoán sỏi thận?

- Sỏi đôi khi “im lặng” – không gây ra các triệu chứng – và được tìm thấy trên phim Xquang kiểm tra sức khỏe tổng quát.

- Những viên sỏi nhỏ thường thoát ra khỏi cơ thể mà bệnh nhân không hay biết.

- Thông thường, sỏi thận được quan sát thấy trên phim Xquang hoặc hình ảnh siêu âm của một bệnh nhân tiểu ra máu hay đau hông lưng đột ngột.

- Chẩn đoán hình ảnh đem lại cho bác sĩ thông tin có giá trị về kích thước và vị trí của sỏi.

- Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện ra những chất bất thường có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi.

- Bác sĩ có thể quyết định chụp hệ thống tiết niệu bằng các xét nghiệm đặc biệt như chụp quét cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp thận cản quang tĩnh mạch (IVP).

- Tổng hợp kết quả của tất cả các xét nghiệm này sẽ giúp xác định phương thức điều trị thích hợp.

 

Đề phòng sỏi thận

- Khi đã có nhiều hơn một sỏi thận thì sẽ có khả năng hình thành những sỏi khác; do đó, nếu có thể, việc phòng tránh sỏi là quan trọng.

- Để giúp xác định nguyên nhân của sỏi, cần chỉ định xét nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm máu và nước tiểu.

- Cần hỏi về bệnh sử, nghề nghiệp và thói quen ăn uống của bệnh nhân.

- Nếu sỏi đã được lấy ra, hoặc nếu bệnh nhân đã tiểu ra sỏi và giữ lại được mẫu sỏi, xét nghiệm phân tích sỏi sẽ giúp lập kế hoạch điều trị.

- Có thể yêu cầu bệnh nhân thu gom nước tiểu trong 24 giờ sau khi đã tiểu ra sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi.

- Khi thực hiện thu gom nước tiểu 24-giờ, bệnh nhân sẽ được cấp một thùng chứa lớn, được làm lạnh giữa các lần đi tiểu. Lượng nước tiểu này được dùng để đo thể tích nước tiểu và các mức độ acid, canxi, natri, acid uric, oxalat, citrat, và creatinin (một sản phẩm chuyển hóa của cơ bắp).

Dùng thông tin này để xác định nguyên nhân của sỏi. Có thể cần thu gom nước tiểu trong 24 giờ một lần thứ 2 để xác định xem việc điều trị có đạt hiệu quả.

Sỏi thận được điều trị ra sao?

- May mắn thay, thường không cần thiết phải dùng đến phẫu thuật để điều trị sỏi tiết niệu. Đa số sỏi thận có thể đi qua hệ tiết niệu khi uống nhiều nước (2-3 lít mỗi ngày) để tạo điều kiện dễ dàng cho sỏi di chuyển. Thông thường, bệnh nhân có thể ở nhà trong lúc điều trị, uống nhiều nước và dùng thuốc giảm đau khi cần thiết.

- Nên yêu cầu bệnh nhân giữ lại viên sỏi để thử nghiệm.

- Sỏi được giữ lại bằng cách tiểu vào một cái tách hoặc một cái túi lọc.

1. Thay đổi lối sống

- Thay đổi lối sống đơn giản và quan trọng nhất để phòng tránh sỏi là uống nhiều chất lỏng- mà nước là tốt nhất. Người có xu hướng hình thành sỏi nên cố gắng uống đủ chất lỏng trong ngày để bài tiết được ít nhất 2 lít nước tiểu mỗi 24 giờ.

- Trước đây, bệnh nhân có sỏi canxi được khuyên nên tránh dùng các sản phẩm từ sữa và những thực phẩm khác có lượng canxi cao. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thực phẩm giàu canxi, bao gồm sản phẩm từ sữa, có thể giúp ngăn ngừa sỏi canxi. Tuy nhiên, uống canxi dưới dạng thuốc viên lại có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

- Bệnh nhân nên tránh những thực phẩm có bổ sung vitamin D và một số loại thuốc kháng acid có chứa canxi.

- Người bài tiết nước tiểu có độ acid cao nên ăn ít thịt, cá, và gia cầm. Các loại thực phẩm này làm tăng lượng acid trong nước tiểu.

- Để phòng ngừa sỏi cystine, nên uống đủ nước mỗi ngày để pha loãng nồng độ cystine thoát vào nước tiểu; việc này có thể khó khăn vì cần phải uống khoảng 4 lít nước cho mỗi 24 giờ, và một phần ba số nước đó lại phải uống vào ban đêm.

2. Điều trị Nội khoa

Một số thuốc có thể giúp ngăn ngừa sỏi canxi và sỏi acid uric. Những loại thuốc này kiểm soát độ acid hoặc kiềm trong nước tiểu, yếu tố quan trọng trong hình thành tinh thể. Việc sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ

3. Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ sỏi thận khi nó:

+ Không thoát ra được sau một thời gian phù hợp và là nguyên nhân gây đau liên tục

+ Quá lớn để tự thoát ra được hay đã bị kẹt ở một vị trí khó khăn

+ Chặn dòng chảy của nước tiểu

+ Gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu tiếp diễn

+ Gây thương tổn mô thận hoặc gây ra chảy máu liên tục

+ Tăng kích thước khi theo dõi trên phim Xquang

Mãi cho đến 20 năm về trước, phẫu thuật mở là cần thiết để loại bỏ sỏi. Thời gian để phục hồi sau phẫu thuật là từ 4-6 tuần. Hiện nay, việc điều trị sỏi được cải tiến đáng kể, và nhiều tùy chọn không cần đến phẫu thuật mở đã có thể được thực hiện trên cơ sở ngoại trú.

4. Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung (Extracorporeal Shock Wave Lithotripsy=ESWL)

Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung (ESWL) là thủ thuật được sử dụng thường xuyên nhất trong điều trị sỏi thận. Trong ESWL, sóng xung được tạo ra bên ngoài cơ thể, đi qua da và mô cơ thể cho đến khi va chạm vào cấu trúc sỏi cô đặc hơn. Sỏi bị phá vỡ thành những hạt nhỏ và có thể thoát dễ dàng ra ngoài qua nước tiểu.

5. Tán sỏi thận qua da (Percutaneous Nephrolithotomy=PCNL)

- Đôi khi một thủ thuật có tên là tán sỏi thận qua da (percutaneous nephrolithotomy) được khuyến cáo sử dụng để loại bỏ sỏi. Thủ thuật điều trị này thường được dùng khi sỏi đã khá lớn hoặc nằm ở một vị trí không cho phép áp dụng hiệu quả ESWL. Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật rạch một vết nhỏ ở lưng và tạo ra một đường hầm dẫn trực tiếp vào thận. Sử dụng thiết bị nội soi thận (nephroscope), phẫu thuật viên định vị và loại bỏ sỏi. Đối với sỏi lớn, có thể cần đến một số loại đầu dò dùng năng lượng siêu âm, thủy lực hoặc laser để phá vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ.

- Một lợi điểm của tán sỏi thận qua da (percutaneous nephrolithotomy) là bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ một số mảnh sỏi trực tiếp thay vì chỉ trông chờ vào sự đào thải tự nhiên của chúng qua đường niệu.

6. Tán sỏi qua nội soi niệu quản (Ureteroscopic Stone Removal)

- Mặc dù một số sỏi trong niệu quản có thể được điều trị bằng ESWL, nội soi niệu quản (ureteroscopy) có thể cần thiết để xử lý sỏi niệu quản đoạn giữa và đoạn thấp hơn. Không cần thực hiện vết mổ nào trong thủ thuật này. Thay vào đó, bác sĩ phẫu thuật luồn một dụng cụ nhỏ bằng sợi quang học gọi là ống nội soi niệu quản (ureteroscope) đi qua niệu đạo và bàng quang và vào niệu quản. Sau đó, phẫu thuật viên định vị sỏi và loại bỏ nó bằng một thiết bị giống cái lồng hái trái cây, hoặc tán vỡ nó bằng một công cụ đặc biệt phát sóng xung. Tuy nhiên kỹ thuật này hiện nay rất hiếm khi được sử dụng vì nguy cơ cao gây tổn thương cho niệu quản.

Những điểm cần ghi nhớ

- Người có tiền sử sỏi niệu trong gia đình hoặc trong bệnh sử đã có nhiều hơn một sỏi, sẽ có nhiều khả năng hình thành thêm sỏi về sau.

-  Bước đầu tiên để ngăn ngừa sự hình thành của bất cứ loại sỏi nào là uống nhiều chất lỏng, trong đó nước là tốt nhất.

- Người có nguy cơ hình thành các loại sỏi có thể cần phải xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định các yếu tố cần phải khắc phục.

- Một số người cần phải dùng thuốc để ngăn ngừa hình thành sỏi.

- Người bị nhiễm trùng hệ niệu mạn tính và có sỏi, sẽ phải loại bỏ sỏi nếu xác định sỏi đó chính là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Bệnh nhân phải được theo dõi cẩn thận để đảm bảo hết nhiễm trùng.
BS. Đồng Ngọc Khanh (BV Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn) – Khoa học phổ 

 

===========================

Anh chị đang làm nhà, đang muốn làm một bộ cửa cổng đẹp. 
Mẫu cửa cổng nào phù hợp với nhà mình. Chất lượng ra sao? chi phí bao nhiêu cho 1 bộ cửa ưng ý. 
Anh chị hãy liên hệ cơ khí Thắng Lợi gặp bạn Xuân, bạn Toàn Thắng. Hai bạn sẽ hỗ trợ anh chị về bộ cửa anh chị chọn.

Tel/zalo: 0989 145 954 / 0949 145 954

 
 

Bài viết cùng danh mục