Chữa bỏng an toàn bằng nước lã

Khi bị bỏng, bạn hãy ngay lập tức nhúng tất cả bộ phận bị bỏng vào nước lạnh sạch 10 - 20°C (bể chứa, chậu thau, xô lớn…)

Theo kinh nghiệm của các cụ để lại và Báo Khoa học Phổ thông, khi bị bỏng, bạn hãy ngay lập tức nhúng tất cả bộ phận bị bỏng vào nước lạnh sạch 10 - 20°C (bể chứa, chậu thau, xô lớn…) hoặc cho vòi nước chảy dội vào liên tục, cho đến khi hết hẳn cảm giác nóng rát, thường khoảng 30 phút (vết bỏng nhỏ) đến 1 giờ đồng hồ (vết bỏng rộng).

Bị bỏng ở bộ phận khó ngâm, khó nhúng thì đắp khăn ướt lên vùng bị bỏng rồi áp sát vùng bị bỏng vào thành xô, hoặc chậu nhôm chứa nước cũng tạo ra độ mát tương tự, nhưng phải thay khăn luôn. Khi hết cảm giác nóng rát là lành, nghĩa là không bị nốt phỏng nước sôi nổi lên.

Khi bị bỏng, bộ phận bị bỏng trên cơ thể sẽ nóng gấp nhiều lần so với nhiệt độ bình thường của cơ thể. Theo phản xạ tự nhiên, não sẽ chỉ đạo cơ thể dồn nước vào chỗ bị bỏng để chống nóng cho chỗ đó. Vì vậy, chỗ bị bỏng xuất hiện những nốt phồng to, nhỏ tùy mức độ bị bỏng. Khi ta ngâm, nhúng bộ phận bị bỏng vào nước sạch, nước lã có nhiệt độ thấp (khoảng 20°C) hơn nhiệt độ cơ thể sẽ làm nhiệt độ chỗ bị bỏng giảm dần xuống, cơ thể không phải dồn nước về đó, nốt phỏng nước sẽ không xuất hiện.

Phương pháp này chỉ có kết quả nếu được xử lý ngay lập tức sau khi bị bỏng, quá 5-7 phút sẽ kém hiệu quả. Tuyệt đối không được dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh chườm lên vùng bị bỏng. Bởi vì, cơ thể bình thường ở nhiệt độ 37°C, khi bị bỏng, cơ thể đã bị mất nhiệt, cộng thêm với bị chườm đá lạnh, sự mất nhiệt lại tăng thêm. Các tinh thể đá đã làm đông cứng tế bào, gây tổn thương hoại tử ướt nếu chườm, ướp đá kéo dài trên 30 phút. Mức độ tổn thương do bỏng lạnh, không nhìn thấy, bởi đã lẫn vào bỏng nóng, sẽ làm nặng thêm tình trạng bỏng. Loại hoại tử ướt này không diễn biến mạnh nhưng khiến cho khả năng bảo tồn khi điều trị vết bỏng khó khăn. 

"cncthangloi sưu tầm"

Bài viết cùng danh mục