Sỏi đường tiết niệu

Sỏi tiết niệu được hình thành do sự lắng đọng của một số tinh thể trong nước tiểu ở đường niệu. Tùy theo vị trí, bệnh được gọi tên khác nhau như: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang

Sỏi tiết niệu là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở đường niệu. Theo thống kê gần đây, có khoảng 3-4% dân số mắc bệnh này. Có 4 loại sỏi: Sỏi canxi, axit uric, struvite và cystine. Chỉ cần uống nhiều nước, tránh căng thẳng... bạn sẽ ngừa được bệnh.
Sỏi tiết niệu là gì?
Sỏi tiết niệu được hình thành do sự lắng đọng của một số tinh thể trong nước tiểu ở đường niệu. Tùy theo vị trí, bệnh được gọi tên khác nhau như: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. 
Ai có thể mắc bệnh? 
Tất cả mọi người. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhiều ở nam giới, đặc biệt những người có nguy cơ: 
- Nhiễm trùng đường tiểu, tổn thương đường niệu do đặt ống thông tiểu lâu ngày. 
- Có bất thường ở hệ niệu làm ứ đọng nước tiểu như: Thận đa nang, hẹp đoạn nối bể thận - niệu quản, sa niệu quản... 
- Sống ở nơi khí hậu khô nóng. 
- Thường xuyên lo âu, căng thẳng, ít hoạt động thể lực. 
- Chế độ ăn uống bất hợp lý, quá nhiều đạm, đường, canxi... 


Các loại sỏi thường gặp 

Sỏi canxi: Chiếm tỉ lệ cao nhất, thường gặp ở nam giới sau tuổi 30 do dùng nhiều corticoid, vitamin D hay có bệnh lý ác tính gây phá hủy xương. Loại sỏi này hình thành do sự bão hòa canxi trong nước tiểu. Tùy theo sự kết hợp của canxi với axít oxalic hay axít phosphoric mà sỏi có màu sắc và hình dạng khác nhau.

 Phòng bệnh: Thận trọng khi dùng chế phẩm có chứa vitamin D và can-xi. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá. Hạn chế ăn mặn, bơ, phô-mai, hải sản... 

Sỏi axit uric: Có nhiều ở nam giới với nồng độ purin trong máu cao do rối loạn chuyển hóa (bệnh thống phong), chế độ ăn uống quá nhiều đạm. Sỏi có màu nâu, rắn, không cản quang. 

Phòng bệnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây. Tránh thức ăn giàu đạm như: phủ tạng động vật, loại thịt có màu đỏ, măng khô, nấm, đậu, sữa nhiều đường. 

Sỏi struvite: Thường gặp ở phụ nữ nhiễm trùng tiểu, nhiễm khuẩn đường niệu kéo dài. Sỏi có màu trắng ngà, cản quang. 

Phòng bệnh: Điều trị triệt để các trường hợp viêm nhiễm đường tiết niệu. 

Sỏi cystine: Thường gặp ở người trẻ tuổi có khiếm khuyết tái hấp thu cystine tại ống thận bẩm sinh gây tiểu cystine.

Triệu chứng sỏi tiết niệu: 

- Sỏi tồn tại trong đường tiểu một thời gian dài, không có bất kỳ biểu hiện nào, cho đến khi bạn bị cơn đau quặn thận, từ thắt lưng lan xuống dưới vùng bẹn và sinh dục. Cơn đau có cường độ rất dữ dội, xuất hiện đột ngột do sỏi kẹt ở thận hay niệu quản. 

- Người bệnh rất đau đớn mỗi khi đi tiểu. Tiểu buốt, gắt, tiểu són, nước tiểu màu hồng do có sự hiện diện của máu. 

- Bệnh nhân sẽ sốt cao nếu sỏi đường tiết niệu bị nhiễm trùng. 

- Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh có thể có cảm giác ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn, ói khi sốt. 


Chẩn đoán và điều trị 

Siêu âm là phương pháp an toàn, rẻ tiền cho phép xác định vị trí sỏi và đánh giá các cơ quan lân cận. Ngoài ra, còn có các phương tiện chẩn đoán như: chụp X-quang, CT-scan, tổng phân tích nước tiểu... 

Tùy theo vị trí, kích thước sỏi, diễn tiến bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc một phương thức điều trị thích hợp. 

Để phòng ngừa, mỗi người cần uống 2-3 lít nước/ngày. Người bệnh không nên dùng nước khoáng thiên nhiên vì nó có nồng độ muối khá cao.

(Theo TTGĐ)

Bài viết cùng danh mục